Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

SỰ CHÚ TÂM

 

         Đã bao giờ bạn để ý đến tiếng chuông chùa chưa? Lúc đó bạn lắng nghe cái gì, âm vang hay khoảng im lặng? Nếu không có khoảng im lặng thì có âm vang được không? Bạn thấy đấy, chúng ta hiếm khi nào thực sự lưu tâm đến thứ gì và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải khám phá xem sự lưu tâm là gì. Khi giáo viên của bạn giải thích một bài toán, hoặc khi bạn đọc một truyện lịch sử, hoặc khi bạn bè của bạn trò chuyện, kể cho bạn một câu chuyện, hoặc khi bạn ngồi bên một dòng sông và nghe tiếng nước vỗ bờ, khi đó bạn thường rất ít chú tâm. Nếu chúng ta có thể khám phá được sự lưu tâm là gì thì có lẽ việc học tập của chúng ta sẽ có được một ý nghĩa khác và trở   nên dễ dàng hơn.
        Khi giáo viên của bạn bảo bạn hãy lưu tâm đến bài học, ông ta có ý gì. Ông ta có ý rằng bạn không nhìn ra cửa sổ, rằng bạn phải bỏ mọi sự chú ý đến bất kỳ thứ gì khác ngoại trừ sự chú ý vào những gì bạn cần phải học. Chúng ta thường gọi đây là sự tập trung, nhưng sự tập trung nầy có rất ít ý nghĩa, không phải sao?
        Tôi nghỉ rằng còn có một sự tập trung hoàn toàn khác, tôi gọi đó là sự chú tâm. Khi bạn cố gắng tập trung thì khi đó thực ra bạn chỉ đè nén một thứ gì đó - bạn đè nén ham muốn nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn ai đó đi ngang qua và vân vân. Một phần sinh lực của bạn đã bị hoang phí qua sự đè nén, sự phản kháng, Bạn xây dựng bức tường quanh tâm hồn mình để buộc nó phải tập trung hoàn toàn vào một thứ gì đó và bạn gọi sự gò ép, sự kỷ luật tâm hồn nầy là sự tập trung. Bạn cố gắng vứt bỏ mọi suy nghỉ khỏi tâm hồn ngoại trừ suy nghỉ mà bạn muốn tập trung. Nhưng tôi cho rằng, còn có một hình thức tập trung mà không hề gò ép kiềm nén bất kỳ thứ gì.
         Nếu bạn lắng nghe cả âm thanh lẫn khoảng im lặng giữa những tiếng chuông thì toàn bộ quá trình lắng nghe đó chính là sự lưu tâm. Tương tự, khi một ai đó trò chuyện, sự lưu tâm sẽ giúp bạn cảm nhận được cả lời nói lẫn khoảng im lặng giữa các ngôn từ. Nếu bạn thử nghiệm với việc nầy bạn sẽ nhận thấy rằng tâm hồn mình có thể hoàn toàn tập trung mà không mảy may xao lãng hay kiềm nén. Khi bạn kỹ luật mình bằng cách nói rằng “ Mình không được nhìn ra cửa sỗ, mình không được ngó ngang ngó dọc, mình phải tập trung vào việc nầy dù rằng mình muốn làm việc khác” thì điều nầy sẽ tạo ra sự phân hóa, sự phân hóa nầy là sự phá hoại vì nó mài mòn sinh lực của tâm hồn. Nhưng nếu bạn lắng nghe một cách hoàn toàn thì trong bạn không có sự kềm nén hay phản kháng, bạn sẽ nhận thấy rằng tâm hồn bạn có thể dễ dàng tập trung mà không cần một cố gắng nào cả- Bạn hiểu chớ.
         Hãy thử nghiệm với những gì tôi đang nói, bạn sẽ nhận thấy rằng tâm hồn bạn có thể học tập một cách nhanh nhẹn và sáng suốt. Xét cho cùng, nếu bạn biết cách lắng nghe những gì giáo viên đang nói về một vài sự kiện lịch sử nào đó, nếu bạn có thể lắng nghe mà không phản kháng hay kiềm nén vì tâm hồn bạn có sự tĩnh lặng và không bị bối rối thì không những bạn sẽ nhận thấy rõ được sự kiện nầy mà bạn còn ý thức được thành kiến của giáo viên đối với sự kiện nầy trong khi đang giảng bài và cả phản ứng của tâm hồn mình.
                                                                                      Người đồng hành       

      











                                                                                         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét