Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

GIÁP MẶT PHIỀN NÃO

GIÁP MẶT PHIỀN NÃO

Bạn giáp mặt phiền não bằng cách nào? Tôi e rằng phần đông chúng ta giáp mặt phiền não một cách hời hợt, nông cạn. Giáo dục và đào tạo của ta, kiến thức và ảnh hưởng của xã hội tác động lên ta biến ta thành nông cạn hời hợt. Một trí não nông cạn là thứ trí não lẫn trốn vào định kiến, vào quan niệm, tin tưởng hoặc ý tưởng. Tất cả mọi thứ đó làm nơi trú ẩn cho một trí não nông cạn đang sống quằn quại trong phiền não. Và nếu không tìm thấy nơi trú ẩn, bạn sẽ xây tường vách quanh mình và trở nên hoài nghi, lạnh lùng, vô cảm hoặc bạn lẩn trốn bằng một phản ứng dễ dãi, bệnh hoạn. Mọi động thái phòng vệ chống lại đau khổ đó ngăn chặn ta đi tới trong khám phá.
Xin hãy quan sát chính trí não của bạn, quan sát cách thế bạn lẩn trốn bằng cách lý giải sự phiền não của mình, bằng cách quên mình trong công việc, trong ý tưởng hoặc bám chặt sự tin tưởng vào một nơi nào đó. Còn nếu không giải thích, không tin tưởng vào thỏa mãn bạn, bạn quay ra lẫn trốn bằng uống rượu, tình dục hoặc trở nên hoài nghi, yếm thế, vô cảm, chua chát, bất cần đời. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, kiểu cách sống đó đã được ông cha truyền lại cho con cháu và cái trí não nông cạn ấy không bao giờ làm lành được vết thương sâu này, trí não thực sự không biết, thực sự không quen với phiền não cùng đau khổ. Nó chỉ có ý niệm về phiền não. Nó có một hình ảnh, một biểu tượng của phiền não nhưng không bao giờ giáp mặt với phiền não, đau khổ - nó chỉ giáp mặt với từ phiền não.

Người đồng hành

CHẤM DỨT PHIỀN NÃO

CHẤM DỨT PHIỀN NÃO

Nếu bạn theo con đường dốc đi xuống, bạn sẽ thấy cảnh huy hoàng của thiên nhiên, vẻ đẹp kỳ diệu của những cánh đồng xanh và bầu trời cao rộng mênh mông cùng tiếng trẻ con cười đùa. Nhưng mặc cho tất cả mọi cảnh vật ấy, phiền não vẫn bàng bạc khắp nơi. Có nỗi đau của bà mẹ sinh con; nỗi khổ trong chết chóc; phiền muộn vì hoài mong điều không bao giờ đến; có nỗi khổ khi một quốc gia bị sụp đổ, yếu kém và nỗi khổ vì hư hoại, không chỉ trong cộng đồng mà cả trong từng cá nhân. Phiền não ngay trong ngôi nhà của bạn, nếu bạn chịu nhìn sâu một chút – khổ vì không có khả năng thực hiện, khổ vì chính sự bất lực và nhỏ nhen của mình cùng những nỗi ẩn sâu trong vô thức.
Trong cuộc sống cũng có tiếng cười. Tiếng cười thật là dễ thương – cười không có lý do, vui không có nguyên nhân, yêu không cần đáp trả. Nhưng đối với ta, cười được như thế thật là hiếm. Ta sống nặng trĩu với những phiền não, cuộc sống của ta là một chuỗi dài bất tận những khốn cùng và đấu tranh, là một tiến trình phân rã liên tục và hầu hết chúng ta đều không bao giờ biết yêu thương hết lòng…
Ta muốn tìm một giải pháp, một phương cách nào đó giải quyết gánh nặng này của cuộc sống nhưng lại không bao giờ chịu nhìn ngay vào phiền não. Ta luôn tìm cách lẫn trốn qua những câu chuyện hoang đường đầy huyền hoặc, qua những hình ảnh biểu tượng, qua biện luận; ta hy vọng tránh thoát gánh nặng này, cưỡi lên sóng gió phiền não mà đi.
Phiền não có chổ chấm dứt, nhưng sự chấm dứt ấy không đến từ bất kỳ phương pháp nào. Chỉ khi nào giác ngộ cái đang là, cái hiện tiền mới không còn phiền não.
Người đồng hành

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Ở ĐÂU CÓ THỂ CÓ ĐAU KHỔ Ở ĐÓ KHÔNG CÓ TÌNH YÊU

Ở ĐÂU CÓ THỂ CÓ ĐAU KHỔ
Ở ĐÓ KHÔNG CÓ TÌNH YÊU

Bạn ấy hỏi, bạn ấy muốn biết phải hành động ra sao để cảm thấy tự do và không cảm thấy bị ức chế khi bạn ấy biết rằng hành động của mình chắc chắn làm tổn thương những người thân yêu. Bạn biết không, thương yêu là tự do – cả hai bên đều tự do. Ở đâu còn có thể có đau khổ, ở đâu mà trong tình yêu còn có thể có đau khổ, thì đấy không phải là tình yêu, là thương yêu mà chỉ là một hình thái chiếm hữu, chiếm đoạt tinh tế. Nếu bạn yêu thương, thực sự yêu thương người nào, không thể có tạo chuyện khổ cho người đó khi bạn làm điều bạn cho là đúng. Chỉ khi nào bạn muốn người đó làm điều theo ý bạn hoặc người đó muốn bạn làm điều theo ý người đó muốn mới có đau khổ. Có nghĩa là bạn thích được chiếm hữu, bạn cảm thấy an tâm, an toàn, an ủi, tuy bạn biết ràng sự an tâm, an toàn, an ủi ấy là phù du, chóng tàn, bạn ẩn trú trong sự an ủi đó, trong cơn phù du đó. Vì thế, mỗi lần đấu tranh để được an tâm, an ủi lại bộc lộ thực sự cái nghèo nàn của nội tâm và do đó nãy sinh một hành động phân cách với cá nhân khác, tất phải dấy sinh phiền não, đau và khổ; và cá nhân này phải dẹp bỏ mọi cảm nhận chân thực của mình nhằm khế hợp với cá nhân khác. Nói cách khác, sự ức chế thường trực nảy sinh từ cái gọi là tình yêu, hủy diệt cả hai người. Trong tình yêu đó, không có tự do mà chỉ là sự trói buộc tinh vi mà thôi.

Người đồng hành

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

THA THỨ KHÔNG PHẢI LÀ TỪ BI THỰC

THA THỨ KHÔNG PHẢI
LÀ TỪ BI THỰC

Từ bi là gì? Bạn hãy tự mình khám phá, hay tự mình cảm nhận, liệu một trí não còn bị tổn thương, có thể bị tổn thương, có bao giờ tha thứ không? Liệu một trí não còn có khả năng bị tổn thương có bao giờ tha thứ không? Và một trí não như thế có khả năng bị tổn thương, đang tu tập đạo đức, đang nhận biết mình bao dung tha thứ, một trí não như thế có thể từ bi không? Từ bi cũng như tình yêu không thuộc trí não. Trí não không ý thức nó có lòng từ bi cũng như tình yêu. Nhưng khi bạn biết mình tha thứ thì trí não làm cho sự tổn thương trong lòng nó trở nên mãnh liệt. Vì vậy, trí não ý thức mình tha thứ là không bao giờ tha thứ; nó không biết tha thứ đâu; nó tha thứ là để không bị tổn thương thêm nữa.
Do đó, điều quan trọng là khám phá xem tại sao trí não cứ mãi thực sự hồi tưởng, chứa chấp. Bởi vì trí não cứ mãi tìm cách tự phóng đại, trở thành to lớn, thành là cái gì đó. Khi trí não không còn muốn thành là bất cứ gì, tức là không, hoàn toàn không, bấy giờ trong trạng thái đó mới có từ bi. Trong tâm thái đó, không còn có tha thứ hay tổn thương; nhưng muốn thấu hiểu điều đó, ta phải thấu hiểu sự phát triển trên bình diện ý thức của cái ‘ tôi’
Vì vậy, tình yêu và từ bi không phải là kết quả do ý thức cố gắng mà có.

Người đồng hành

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

CHẤM DỨT SỰ GIẬN DỮ

CHẤM DỨT SỰ GIẬN DỮ

Tôi tin chắc tất cả chúng ta đều cố gắng khắc phục sự tức giận, nhưng dường như không cách nào vượt qua được, đánh tan được. Có thái độ tiếp cận nào khác để xua tan cơn giận không?...Sự tức giận có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sinh lý hay tâm lý. Ta giận dữ bởi vì có lẽ ta bị ngăn chặn, các phản ứng tự vệ của ta bị tan vỡ hoặc sự an toàn của ta đã được dày công xây đắp bị đe dọa, và,v.v…Ta rất quen thuộc với sự giận dữ. Nhưng làm sao thấu hiểu và đánh tan cơn giận đây?Nếu bạn cho những tin tưởng, quan niệm và ý kiến của mình, là quan trọng hơn cả, bấy giờ bạn buộc phản ứng thô bạo khi bạn cật vấn. Nhưng bây giờ, thay vì bám vào các tin tưởng và ý kiến, bạn tự hỏi, liệu chúng có thể thiết yếu để thấu hiểu cuộc sống của ta không, bấy giờ nhờ hiểu được nguyên nhân của chúng mà ta chấm dứt được sự tức giận. Theo đó, ta bắt đầu đánh tan những đối kháng trong ta khiến sinh xung đột và đau khổ. Để xử lý điều này, một lần nữa, đòi hỏi phải thật sự nghiêm túc. Ta thường hay kiểm soát mình vì những lý do xã hội hoặc tôn giáo hoặc vì lợi ích nhưng để bứng gốc sự giận dữ đòi hỏi phải giác sâu.
Bạn nói bạn phẫn nộ khi nghe thấy sự bất công. Phải chăng bởi vì bạn yêu nhân loại, bởi vì bạn có lòng từ bi. Thương và giận có cùng ở chung không? Có công lý không khi có sự phẫn nộ, hận thù? Có thể bạn phẫn nộ vì nghĩ đến sự bất công, tàn bạo, nhưng sự phẫn nộ của bạn không thay đổi được sự bất công và tàn bạo mà chỉ gây thêm bất công và tàn bạo thôi. Để lập lại trật tự, chính bạn phải tỉnh thức và yêu thương. Hành động sinh ra từ thù hận chỉ tạo thêm thù hận. Không có đạo lý, công lý nơi nào có sự tức giận. Công lý, đạo lý và sự tức giận không thể ở chung.

Người đồng hành

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

GIÁO DỤC ĐÍCH THỰC

GIÁO DỤC ĐÍCH THỰC

Trí não tạo tác thông qua kinh nghiệm, tập truyền ký ức . Liệu trí não có thể nào chấm dứt tích tập tuy vẫn kinh nghiệm? Bạn hiểu sự khác biệt chứ? Điều cần thiết không phải là rèn luyện trí nhớ, làm giàu ký ức mà là thoát khỏi cái tiến trình tích của trí não.
Bạn làm tổn thương tôi, đó là một kinh nghiệm và tôi chứa chấp sự tổn thương đó và nó biến thành tập truyền của tôi, và tôi nhìn bạn, tôi phản ứng lại bạn qua tập truyền này. Đó là tiến trình sống thường nhật của trí não tôi và trí não bạn. Vậy bây giờ, có thể nào, tuy bạn xúc phạm tôi, nhưng cái tiến trình tích tập ấy không xảy ra trong tôi không? Hai tiến trình ấy hoàn toàn khác nhau.
Nếu bạn dung những lời lẽ thô tục với tôi, xúc phạm tôi, nhưng nếu tôi không cho đó là quan trọng thì đó không trở thành cơ sở dựa vào đó tôi hành động; vậy tôi có thể nào gặp bạn như mới gặp lần đầu không? Đó mới là giáo dục đích thực – trong ý nghĩa thâm sâu của từ này. Bởi vì, bấy giờ, tôi thấy hết hậu quả qui định của kinh nghiệm, trí não không còn bị qui định nữa.

Người đồng hành

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

THỨ KHOÁI LẠC ĐỒI TRỤY BỆNH HOẠN

THỨ KHOÁI LẠC
ĐỒI TRỤY BỆNH HOẠN

Thói bạo hành. Bạn hiểu từ đó nghĩa là gì không? Một tác giả có tên Hầu Tước De Sade đã viết một quyển sách nói về một người cảm thấy thích thú khi làm tổn thương kẻ khác và thấy kẻ khác đau khổ. Do đó có từ Sadisme – tức là khoái cảm phát xuất từ sự đau khổ của người khác. Có một số người có cái khoái cảm đặc biệt đó khi nhìn thấy người khác đau khổ. Bạn hãy tự quan sát chính mình để thấy liệu bạn có cái khoái cảm quái quỉ ấy không. Có thể khoái cảm ấy không lộ liễu hiển nhiên nhưng nếu nó có bạn sẽ thấy nó tự biểu hiện trong thái độ cười vui khi thấy người khác ngã. Bạn muốn thấy những người trên cao bị hạ bệ, bằng cách tỏ thái độ chỉ trích, tung tin, nhảm nhí vô ý thức về người khác, tất cả thái độ ấy biểu hiện một sự vô cảm – một hình thái muốn làm tổn thương người khác. Ta có thể cố ý xúc phạm vì thù hằn hoặc ta vô tình xúc phạm bằng một lời nói, một cử chỉ, một cái nhìn; nhưng trong bất cứ trường hợp nào, vẫn là do ý muốn làm tổn thương kẻ khác thúc đẩy và chỉ có một số ít người dẹp bỏ được tận gốc dạng khoái cảm bệnh hoạn đồi trụy này.

Người đồng hành

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

HÌNH ẢNH VỀ CÁI" TÔI" DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ

HÌNH ẢNH VỀ CÁI" TÔI"
DẪN ĐẾN ĐAU KHỔ

Tại sao ta chia vấn đề có lớn và nhỏ? Phải chăng tất cả đều là vấn đề? Tại sao biến chúng thành vấn đề lớn hoặc nhỏ, chính yếu hoặc không? Nếu ta có thể hiểu một vấn đề, thể nhập thật sâu vào vấn đề đó, dù nhỏ hay lớn, lúc đó, ta sẽ khám phá tất cả vấn đề. Không phải cường điệu câu trả lời đâu. Lấy ví dụ, bất cứ vấn đề nào: giận, ghen, tham, thù- ta biết các vấn đề này rất rõ. Nếu bạn thể nhập thật sâu vào sự tức giận, chứ không phải gạt bỏ nó, vậy trong cơn giận ấy chứa những gì? Tại sao ta giận? Bởi vì ta bị tổn thương, ai đó đã nói lời khó nghe và nếu có người nói lời nịnh nọt bạn thấy vui thích. Tại sao bạn bị tổn thương? Vì cái Tôi, cái Ngã quan trọng phải không? Và tại sao có cái Tôi quan trọng?
Bởi vì ta có một ý niệm, một biểu tượng, một hình ảnh về chính mình, ta nên là gì, ta không nên là gì, hoặc ta là gì. Tại sao ta tạo và gắn cho mình một hình ảnh? Bởi vì không bao giờ chịu quan sát ta là gì, thực sự ta là gì? Ta nghĩ ta phải là thế này hoặc thế kia, phải là đúng lý tưởng anh hùng, gương mẫu. Ta nổi giận vì lý tưởng của ta, ý tưởng của ta về ta bị tấn công. Ý tưởng của ta về ta là lẩn tránh chính sự kiện ta đang là. Nhưng khi bạn chịu quan sát cái sự kiện hiện thực ta đang là, thì không ai có thể làm tổn thương bạn được. Nếu ta nói dối và bị phê phấn nói dối, đấy không có nghĩa là ta bị tổn thương, bị xúc phạm mà đó là một sự kiện. Nhưng khi bạn tự cho mình là không nói dối và bị phê là nói dối, bạn nổi sân và hành hung. Vậy là ta luôn luôn sống trong thế giới ý niệm, thế giới tưởng tượng chứ không sống trong thế giới thực tại. Để quan sát cái đang là, cái hiện tiền, cái hiện thực, để thấy nó, thực sự gần gũi thân thiết với nó, ta không nên phê phán, đánh giá, có ý kiến hay sợ hãi nó.

Người đồng hành

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

VẤN ĐỀ LÀM TỔN THƯƠNG CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI KHÁC

VẤN ĐỀ LÀM TỔN THƯƠNG
CẢM NHẬN CỦA NGƯỜI KHÁC

Ta phải hành động ra sao để không làm đau khổ, làm phiền lòng người khác?Chắc bạn muốn biết điều đó lắm phải không?Nếu thế thì tôi e ta phải không làm chi cả. Nếu bạn sống trọn vẹn, hành động của bạn có thể làm phiền lòng người khác, nhưng điều quan trọng hơn cả là: khám phá sự thật hay làm phiền lòng người khác? Đơn giản là không cần thiết phải trả lời câu hỏi đó. Nhưng tại sao bạn lại muốn tôn trọng cảm nhận và quan điểm của người khác? Phải chăng do bạn e ngại chính cảm nhận và quan điểm của bạn cũng bị tổn thương và thay đổi? Nếu người ta có ý kiến khác với ý kiến bạn, bạn chỉ có thể khám phá sự thật của các ý kiến ấy bằng cách hỏi họ, chủ động tích cực tiếp cận họ. Và nếu bạn thấy các ý kiến và cảm nhận ấy không chân thực, khám phá của bạn có thể làm phiền lòng những người đã yêu mến chúng. Vậy bạn phải làm gì? Chiều theo ý họ hoặc thỏa hiệp với họ nhằm không làm tổn thương bạn bè của mình à?

Người đồng hành

CÓ CẦN THIẾT PHẢI ĐAU KHỔ KHÔNG

CÓ CẦN THIẾT PHẢI ĐAU KHỔ KHÔNG

Đau khổ thật là thiên hình vạn trạng, phức tạp và ở nhiều mức độ khác nhau. Mọi người chúng ta biết điều đó. Ta biết rất rõ điều đó và đeo mang gánh nặng đó suốt cuộc đời, cụ thể từ lúc sinh ra đến lúc rã tan thây dưới mộ sâu.
Nếu ta nói rằng đó là điều không thể tránh thì không còn nói năng chi nữa; nếu bạn chấp nhận đau khổ thì bạn không còn đi sâu vào đau khổ để khám phá nữa. Bạn đã tự phong bế mọi khám phá, nếu bạn lẫn tránh đau khổ bạn cũng đã phong bế. Bạn có thể lẫn tránh vào một người đàn ông hay đàn bà, vào rượu, vào giải trí, vào quyền lực dưới mọi hình thái khác biệt, địa vị, uy thế hoặc đầu óc nói năng làm xàm không ra gì. Bấy giờ, sự lẫn tránh cúa bạn trở nên cực kỳ quan trọng, những đối tượng nhờ đó bạn bay bổng có tầm quan trọng khổng lồ. Vậy là bạn cũng tự phong bế trước đau khổ, trước phiền não và đó là việc mà đa số chúng ta đã làm. Bây giờ, liệu ta có thể chấm dứt lẩn tránh bất kỳ dưới dạng nào và trở lại ngồi cùng đau khổ không?... Có nghĩa là không tìm cách để giải quyết đau khổ. Có cái đau sinh lý, ở thân – đau răng, đau bụng, giải phẩu, tai nạn, đủ thứ hình thái đau khổ của thân, từng nỗi đau có giải pháp riêng. Cũng có sự sợ hãi về một nỗi đau ở tương lai khiến sinh khổ. Đau khổ có liên hệ gần gũi với sợ hãi và không hiểu hai yếu tố chính này trong cuộc sống, ta sẽ không bao giờ hiểu được thương yêu là gì. Một trí não hiểu biết thế nào là yêu thương, là từ ái, tất phải hiểu thế nào là sợ hãi và đau khổ.

Người đồng hành

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

ĐAU KHỔ CHÍNH LÀ BẠN

ĐAU KHỔ CHÍNH LÀ BẠN

Khi không có người-quan-sát đang đau khổ, đau khổ có khác với bạn không? Bạn không cách biệt, tách rời đau khổ. Bấy giờ, việc gì đã xãy ra? Không còn gọi tên, không còn gắn cho đau khổ danh hiệu nào nữa để rồi gạt nó sang bên – bạn đơn giản là nỗi đớn đau đó, tình tự đó, nỗi tuyệt vọng đó. Khi bạn là cái đó, thì việc gì xảy ra? Khi bạn không gọi tên đau khổ, khi không còn sợ hãi đau khổ, thì cái trung tâm còn có liên hệ với đau khổ không? Nếu trung tâm còn liên hệ với đau khổ thì nó còn sợ hãi đau khổ, lúc đó nó phải làm cái gì đó với đau khổ. Còn nếu trung tâm ấy chính là đau khổ, bấy giờ bạn làm gì?Không có gì phải làm nữa cả, phải không? Nếu bạn là cái đó bạn không chấp nhận nó, không gọi tên nó, không gạt bỏ nó – nếu bạn là vật đó, việc gì xảy ra? Lúc đó, bạn có nói bạn đau khổ nữa không? Chắc chắn là có một thay đổi cơ bản diễn ra. Lúc đó, không còn có “Tôi khổ” nữa, bởi vì không còn có cái trung tâm để khổ nữa và sở dĩ có cái trung tâm khổ là vì ta không chịu xem xét trung tâm ấy là gì. Ta chỉ biết sống lượn lờ trên từ ngữ, từ này sang từ khác, phản ứng này đến phản ứng khác.

Người đồng hành

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

HIỂU MỘT CÁCH NHẤT QUÁN

HIỂU MỘT CÁCH NHẤT QUÁN

Theo ta hiểu “ đau khổ” là gì? Nó là vật tách biệt với bạn à? Nó là vật tách biệt với bạn, ở bên trong hay bên ngoài để bạn quan sát, kinh nghiệm nó à? Bạn chỉ là người - quan - sát đang kinh nghiệm? Hay nó là vật gì đó hoàn toàn khác hẳn? Đây rõ ràng là điểm hết sức trọng yếu, phải không? Khi tôi nói, “ Tôi khổ”, tôi hiểu “ khổ” là gì? Tôi khác với khổ à? Vấn đề mấu chốt là ở đó, phải không? Vậy ta hãy thử khám phá.
Có đau khổ, có phiền não – tôi không được yêu, chồng tôi rượu chè, cờ bạc, con tôi mất,v.v…Cái phần nào đó trong tôi cất tiếng hỏi tại sao, yêu cầu giải thích, lý do, nguyên nhân. Phần khác trong tôi rơi vào tuyệt vọng bởi nhiều lý do khác biệt. Và cũng có một phần khác nữa trong tôi muốn thoát khỏi, muốn vượt qua đau khổ, phiền não. Ta là tổng hợp mọi thứ ấy, phải không? Vậy là phần này của tôi phủ nhận, kháng cự lại phiền não; phần khác của tôi lại lý giải rồi mắc kẹt trong những học thuyết và phần khác nữa cũng của tôi lẩn tránh sự kiện – vậy là làm sao tôi có thể hiểu đau khổ một cách nhất quán được? Chỉ khi nào tôi hiểu một cách nhất quán rằng có thể giải thoát khỏi đau khổ, còn nếu tôi bị chia năm xẻ bảy đủ hướng như thế này, tôi sẽ không thấy được sự thật của đau khổ.
Vậy bây giờ, hãy hoan hỉ cẩn thận lắng nghe và bạn sẽ thấy rằng sự kiện, sự thật chỉ được thấu hiểu khi tôi đủ sức kinh nghiệm một cách nhất quán sự vật tuyệt dứt mọi phân chia, khi không còn có “ cái tôi” đang quan sát, đang đau khổ. Đó là sự thật, là chân lý.

Người đồng hành

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

TÍCH TẬP NHỮNG TIN TƯỞNG ĐỂ LẨN TRÁNH ĐAU KHỔ

TÍCH TẬP NHỮNG TIN TƯỞNG
ĐỂ LẨN TRÁNH ĐAU KHỔ

Cái đau sinh lý là một phản ứng thần kinh, con cái đau tâm lý nảy sinh khi tôi bám chấp những sự vật khiến tôi thỏa mãn, bởi vì lúc đó, tôi sợ người khác hay vật khác lấy mất chúng đi. Những tích tập tâm lý ngăn chặn được cái đau tâm lý, chừng nào chúng còn chưa bị nhiễu loạn; có nghĩa là, tôi là một tập hợp những tích tập, những kinh nghiệm, chúng ngăn chặn hết mọi sự nhiễu loạn cần thiết – bởi vì tôi không muốn bị nhiễu loạn. Cho nên tôi sợ có kẻ khác đến gây nhiễu. Vậy là cái sợ của tôi thuộc lãnh vực của cái biết – cái biết là những tích tập sinh lý hoặc tâm lý mà tôi đã góp nhặt và dùng như những phương tiện nhằm lẫn tránh đau khổ hoặc ngăn chặn phiền não. Nhưng phiền não, đau khổ lại nằm ngay trong tiến trình tích tập nhằm lẩn tránh đau khổ. Tri thức, kiến thức cũng giúp ta ngăn chặn đau khổ. Như kiến thức về y học giúp ta ngăn chặn cái đau ở thân, do đó, những điều tin tưởng cũng giúp ta ngăn chặn cái đau ở tâm, vì thế tôi sợ mất đi những điều tôi đã tin, dù tôi hoàn toàn không biết hay có bằng chứng cụ thể về tính chân thực của những tin tưởng ấy. Tôi có loại bỏ một số tín điều truyền thống vì chúng đã lừa đảo tôi do kinh nghiệm bản thân tôi đã dạy tôi hiểu ra; nhưng rốt lại, những sự tin tưởng, những tín điều và kiến thức ấy mà tôi đã tích tập, cơ bản vẫn như nhau – chỉ là phương tiện để lẫn tránh đau khổ.

Người đồng hành

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

HÃY THẤU HIỂU ĐAU KHỔ

HÃY THẤU HIỂU ĐAU KHỔ

Tại sao tôi hay tại sao bạn lại nhẫn tâm trước nỗi khổ của người khác? Tại sao ta lại lạnh lùng trước một người lao động đang khuân vác nặng nhọc, trước một bà mẹ bồng bế con thơ? Tại sao ta lại nhẫn tâm thế? Để hiểu điều đó, ta phải hiểu tại sao đau khổ đã khiến ta thờ ơ lạnh lùng. Chắc chắn chính đau khổ biến ta thành nhẫn tâm, vì không hiểu đau khổ nên ta trở thành lãnh đạm trước đau khổ. Nếu ta hiểu đau khổ, tỉnh thức với tất cả, không chỉ với chính tôi mà cả với chính mọi người, vợ tôi, con tôi, với thú vật, với người ăn xin. Nhưng ta không muốn hiểu đau khổ và lẩn tránh đau khổ đã làm ta lãnh đạm và nhẫn tâm. Thưa ngài, vấn đề chính là sự đau khổ, khi không được hiểu, nó sẽ làm ngu muội tâm và trí; và sở dĩ ta không hiểu đau khổ vì ta thích lẫn tránh nó, qua đạo sư, qua luân hồi, qua ý tưởng, qua uống rượu và v.v … Làm bất cứ điều gì để lẫn tránh cái đang là.
Bây giờ, hiểu đau khổ không phải là khám phá nguyên nhân của đau khổ. Bất cứ ai cũng biết nguyên nhân của đau khổ - do vô tâm, ngu muội, nông cạn, hung ác và v.v… Nhưng nếu tôi nhìn tận măt đau khổ mà không muốn có bất kỳ giải đáp nào, thế thì việc gì xảy ra? Lúc đó, tôi không còn lẩn tránh nữa, tôi bắt đầu hiểu đau khổ, trí não tôi tỉnh thức, quan sát linh lợi, sắc bén, có nghĩa là tôi trở nên nhạy cảm và do nhạy cảm, nên tôi tri giác sự đau khổ của nhiều người khác.

Người đồng hành

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

ĐAU KHỔ LÀ ĐAU KHỔ, KHÔNG PHẢI CỦA BẠN HAY CỦA TÔI

ĐAU KHỔ LÀ ĐAU KHỔ, KHÔNG PHẢI
CỦA BẠN HAY CỦA TÔI

Sự đau khổ của cá nhân bạn khác với sự đau khổ của tôi hay của một người ở Á Châu, Mỹ Châu hay Liên Xô sao? Hoàn cảnh, sự cố có thể khác, nhưng trong cốt lõi, đau khổ của người khác cũng như đau khổ của bạn và của tôi phải không? Đau khổ là đau khổ, chắc chắn không phải của bạn hay của tôi. Khoái lạc không phải khoái lạc của bạn hay của tôi. Khi bạn bị điều khiển bởi cái tham, khi bạn tàn bạo thì cũng chính sự bạo tàn này điều khiển các nhà chính trị, những kẻ cầm quyền, dù họ ở Á Châu, Mỹ châu hay Liên Xô.
Bạn thấy đó, ta phản đối điều đó. Ta không thấy rằng tất cả chúng ta đều là một nhân loại duy nhất, bị kẹt cứng trong nhiều cảnh đời khác biệt, trong những lãnh vực sống khác biệt. Khi bạn yêu ai, đó không phải là tình yêu của bạn. Nếu đó là tình yêu của bạn, tình yêu đó trở thành bạo ngược, chiếm hữu, ghen tuông, âu lo, hung tàn. Tương tự vậy, đau khổ là đau khổ, không phải là của bạn hay của tôi. Không phải tôi biến nó thành vô ngã, thành trừu tượng. Khi người ta khổ thì người ta khổ. Khi một người không có cái ăn, cái mặc, cái ở, họ khổ dù họ sống ở Á Châu hay Tây Phương. Những người đang bị giết hay bị thương – họ đang khổ, đang đau. Để thấu hiểu sự đau khổ này – không phải của bạn hay của tôi, không phải vô ngã hay trừu tượng, mà là thực tại, và tất cả chúng ta đều đau khổ - đòi hỏi phải thâm nhập sâu, nhìn thấu suốt. Và dứt khổ là tự nhiên có hòa bình, không chỉ bên trong mà cả bên ngoài nữa.

Người đồng hành

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

THẤU HIỂU ĐAU KHỔ

THẤU HIỂU ĐAU KHỔ

Tại sao ta tìm hiểu “hạnh phúc là gì”. Thái độ đó có đúng không? Ta không hạnh phúc. Nếu ta hạnh phúc thì thế giới đã hoàn toàn khác rồi, nền văn minh, văn hóa của ta phải hoàn toàn khác hẳn tận gốc rồi. Ta là thứ nhân loại bất hạnh, nhỏ nhen, khốn khổ, trống rỗng, nhưng lại điên khùng tranh chấp, tự bọc mình bằng những sự vật phù phiếm, vô dụng, rồi thỏa mãn với những tham lam nhỏ nhen ti tiện, với tiền bạc và địa vị. Ta là những con người bất hạnh cùng cực, tuy ta có tri thức, tuy ta có tiền bạc, nhà cửa cao sang, con cái đông vầy, nhiều xe cộ, kinh nghiệm. Ta là thứ nhân loại bất hạnh, khổ đau và bởi vì ta đau khổ nên ta muốn hạnh phúc và do đó, ta mới bị xỏ mũi bởi những kẻ hứa hẹn cho ta thứ hạnh phúc này – về mặt xã hội, kinh tế hay tâm linh.
Khi tôi đau khổ, tôi hỏi có hạnh phúc không, liệu có ích gì chứ? Tôi có thể hiếu đau khổ không? Vấn đề của tôi là hiểu đau khổ chứ không phải làm sao để hạnh phúc. Tôi hạnh phúc thì tôi không đau khổ, nhưng khi tôi ý thức hạnh phúc thì đó không còn hạnh phúc nữa. Vì vậy, tôi phải hiểu đau khổ. Liệu tôi có thể hiểu đau khổ khi phần khác của trí não tôi chạy đi tìm hạnh phúc, tìm cách thoát khổ? Vậy, phải chăng để hiểu đau khổ, tôi phải là một với đau khổ, tức là không bỏ không lấy, không lên án, không so sánh, không biện minh mà là thể nhập hoàn toàn làm một với đau khổ và hiểu nó?
Sự thật về hạnh phúc chỉ đến nếu tôi biết lắng nghe, tôi phải biết lắng nghe đau khổ, nếu tôi lắng nghe đau khổ, tôi mới có thể lắng nghe hạnh phúc, bởi vì đó chính là cái tôi.

Người đồng hành

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

CÓ THỂ TÌM THẤY HẠNH PHÚC QUA BẤT CỨ SỰ VẬT GÌ KHÔNG?

CÓ THỂ TÌM THẤY HẠNH PHÚC
QUA BẤT CỨ SỰ VẬT GÌ KHÔNG?

Ta tìm kiếm hạnh phúc qua sự vật, qua quan hệ, qua tư tưởng, qua ý niệm. vì thế sự vật, mối quan hệ, ý niệm trở nên quan trọng hơn tất cả và không phải là hạnh phúc. Khi ta tìm kiếm hạnh phúc qua sự vật thì sự vật trở nên có giá trị lớn lao hơn hạnh phúc. Nói theo cách đó, vấn đề tỏ ra đơn giản và quả thực đơn giản. Ta tìm kiếm hạnh phúc trong tài sản, của cải trong gia đình, trong tên tuổi. Bấy giờ của cải, gia đình, ý tưởng trở thành quan trọng hơn tất cả, thế là hạnh phúc được tìm kiếm qua phương tiện và lúc đó, phương tiện phá hủy mục đích.
Liệu hạnh phúc có thể được tìm thấy thông qua bất kỳ phương tiện, bất kỳ sự vật gì do bàn tay hay trí não tạo tác không? Sự vật, mối quan hệ, ý niệm, rõ ràng là vô thường ta mãi mãi bất hạnh vì sự vật…Sự vật vốn vô thường, chúng tàn rụi và biến mất, các mối quan hệ thì xung đột không dứt và cái chết luôn luôn chờ đợi; ý tưởng và tin tưởng cũng không định, không thường. Ta mưu cầu hạnh phúc nơi chúng mà không nhận chân tính cách vô thường của chúng. Vì vậy, phiền não trở thành là người bạn đồng hành muôn đời muôn kiếp của ta và khắc phục phiền não là vấn đề của ta.
Để khám phá ý nghĩa chân thực của hạnh phúc, ta phải thám hiểm trên dòng sông tự giác. Tự giác vốn không phải là một mục đích. Sông có nguồn chăng? Mỗi giọt nước từ đầu cho đến cuối, tạo thành dòng sông. Tưởng tượng rằng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc ở nguồn cội là sai lầm. Hạnh phúc được tìm thấy khi đang ở bất cứ nơi nào trên dòng sông tự giác.

Người đồng hành