Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CẢM THÔNG CÙNG ĐAU KHỔ

CẢM THÔNG CÙNG ĐAU KHỔ

Phần đông, chúng ta không sống cảm thông với bất cứ điều gì. Ta không trực tiếp cảm thông với bằng hữu, với vợ ta, con cái ta.
Vì vậy, để thấu hiểu đau khổ, bạn phải yêu đau khổ phải không bạn? Tức là bạn phải cảm thông trực tiếp với nó – Nếu bạn hiểu điều gì cách trọn vẹn, bạn phải sống gần gủi với nó. Bạn phải tiếp cận nó mà không có ý phản đối, không thành kiến, không phê phán hay động đậy chi cả, bạn phải nhìn nó, phải không bạn? Tôi phải không có thành kiến với bạn tôi mới hiểu được bạn. Tôi phải nhìn bạn,không phải nhìn thông qua những rào chắn, màn che của thành kiến và qui định. Tôi phải cảm thông với bạn, nghĩa là tôi phải yêu thương bạn. Tương tự vậy, nếu tôi muốn hiểu phiền não, đau khổ, tôi phải yêu thương, tôi phải cảm thông cùng đau khổ. Tôi không thể làm thế khi tôi lẫn tránh nó bằng những lý giải, những học thuyết, những hy vọng, những trì hoãn – tất cả đều là ngôn từ, nói năng. Từ ngữ ngăn chặn tới cảm thông cùng đau khổ. Từ ngữ ngăn chặn tôi – từ ngữ của những lý giải, biện luận, vẫn là từ, là tiến trình của trí não – cảm thông cùng đau khổ. Chỉ khi nào tôi cảm thông cùng đau khổ tôi mới hiểu đau khổ.

Người đồng hành

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

HÌNH THÁI NĂNG LƯỢNG TỐI THƯỢNG

HÌNH THÁI NĂNG LƯỢNG TỐI THƯỢNG


Một ý tưởng hay một ý niệm về năng lượng hoàn toàn khác với tự thân sự kiện năng lượng. Ta có công thức hay khái niệm về việc làm cách nào để mang lại tính chất của năng lượng tối thượng. Nhưng công thức thì hoàn toàn khác biệt với tính chất luôn đổi mới, luôn mới lại của chính tự thân năng lượng.
Hình thái cao tột nhất, điểm tối thượng của năng lượng này là một trạng thái của trí não khi trí não không có ý niệm, không có tư tưởng, không có phương pháp hay động cơ – đó là năng lượng thuần túy. Và tính chất của năng lượng đó không thể truy tìm được. Bạn không thể nói, “ Được rồi, hãy nói cho tôi biết cách nào đạt được năng lượng đó – cách làm nào, con đường nào. Không có con đường nào dẫn tới đó cả. Để tự mình khám phá tính chất của năng lượng này, ta phải bắt đầu thấu hiểu sự hoang phí thường nhật năng lượng – năng lượng khi ta nói chuyện, khi ta nghe tiếng chim hót, một tiếng nói; khi ta thấy dòng sông, trời rộng và người dân làng, thấy sự bẩn thỉu, bệnh hoạn, đói kém và cội cây đang thu mình lẩn trốn ánh sáng trong hoàng hôn. Chính động thái quan sát muôn vật là năng lượng. Và năng lượng này ta thu nhận từ thức ăn, từ tia nắng mặt trời. Thứ năng lượng vật lý thường nhật này mà ta có, rõ ràng là có thể được gia tăng bởi loại thực phẩm tốt, thích hợp v.v… Hiển nhiên điều đó là cần thiết. Nhưng cũng chinh năng lượng này trở thành năng lượng của thức, tức là của tư tưởng, và bất kỳ lúc nào, trong năng lượng đó có mâu thuẩn thì năng lượng đó bị hoang phí đi.

Người đồng hành

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

HÃY THẤU HIỂU ĐAU KHỔ

HÃY THẤU HIỂU ĐAU KHỔ
Tại sao tôi hay tại sao bạn lại nhẫn tâm trước nỗi khổ của người khác? Tại sao ta lại lạnh lùng trước một người lao động đang khuân vác nặng nhọc, trước một bà mẹ bồng bế con thơ? Tại sao ta lại nhẫn tâm thế? Để hiểu điều đó, ta phải hiểu tại sao đau khổ đã khiến ta thờ ơ lạnh lùng. Chắc chắn chính đau khổ biến ta thành nhẫn tâm, vì không hiểu đau khổ nên ta trở thành lãnh đạm trước đau khổ. Nếu ta hiểu đau khổ, tỉnh thức với tất cả, không chỉ với chính tôi mà cả với chính mọi người, vợ tôi, con tôi, với thú vật, với người ăn xin. Nhưng ta không muốn hiểu đau khổ và lẩn tránh đau khổ đã làm ta lãnh đạm và nhẫn tâm. Thưa ngài, vấn đề chính là sự đau khổ, khi không được hiểu, nó sẽ làm ngu muội tâm và trí; và sở dĩ ta không hiểu đau khổ vì ta thích lẫn tránh nó, qua đạo sư, qua luân hồi, qua ý tưởng, qua uống rượu và v.v … Làm bất cứ điều gì để lẫn tránh cái đang là.
Bây giờ, hiểu đau khổ không phải là khám phá nguyên nhân của đau khổ. Bất cứ ai cũng biết nguyên nhân của đau khổ - do vô tâm, ngu muội, nông cạn, hung ác và v.v… Nhưng nếu tôi nhìn tận măt đau khổ mà không muốn có bất kỳ giải đáp nào, thế thì việc gì xảy ra? Lúc đó, tôi không còn lẩn tránh nữa, tôi bắt đầu hiểu đau khổ, trí não tôi tỉnh thức, quan sát linh lợi, sắc bén, có nghĩa là tôi trở nên nhạy cảm và do nhạy cảm, nên tôi tri giác sự đau khổ của nhiều người khác.
Người đồng hành

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

HÃY ĐỐT LÊN NGỌN LỬA TỰ GIÁC

HÃY ĐỐT LÊN NGỌN LỬA TỰ GIÁC

Nếu bạn thấy khó tri giác, hãy thử viết ra từng tư tưởng, tình cảm khởi lên trong suốt ngày sống, viết ra những phản ứng ghen ghét, tham lam, kiêu ngạo, dâm dục, những ý đồ nằm đàng sau những từ ngữ bạn dùng và v.v…
Viết chúng ra một lúc nào đó trước giờ ăn sáng – việc viết lách này đòi hỏi bạn phải đi ngủ sớm và dẹp bỏ bớt một số công việc khác. Nếu bạn có thể viết ra như vậy và buổi tối , trước khi đi ngủ, đọc lại những gì bạn đã viết ban ngày, bạn khảo sát và xem tỉ mỉ chúng, tuyệt đối không phê phán, lên án, bạn sẽ bắt đầu phát hiện những nguyên nhân ẩn giấu phía sau những tư tưởng và tình cảm, dục vọng và từ ngữ của bạn…
Bấy giờ, việc làm quan trọng là khảo sát những gì bạn đã viết ra với một trí tuệ tự do giải thoát và nhờ việc làm đó, bạn sẽ trở nên giác tri chính trạng thái trí não của mình. Trong ngọn lửa tự giác, tự tri ấy, nguyên nhân của xung đột được phát hiện và được thiêu hủy.
Bạn phải tiếp tục viết ra những tư tưởng và cảm xúc, những ý đồ và phản ứng của bạn, không phải chỉ một hai lần, mà phải thật nhiều ngày cho đến khi não bạn có thể giác tri chúng một cách tức khắc.Thiền không chỉ là kiên trì tự giác, mà phải kiên trì từ bỏ cái Tôi, cái Ngã. Nhờ tư duy đúng đắn mà có Thiền, từ đó có sự tĩnh lặng bình an đó, cái tối thượng được thấy rõ.
Viết ra những gì ta nghỉ và cảm, những dục vọng và phản ứng, mang lại một giác tri nội tâm, sự hiệp thông giữa vô thức và ý thức, và từ đó, dẫn đến một tâm thái toàn vẹn và thấu hiểu.

Người đồng hành

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

TRI-KIẾN-THỨC -KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ

TRI-KIẾN-THỨC
KHÔNG PHẢI LÀ TRÍ TUỆ

Trong công cuộc tìm kiếm tri thức, trong những khát vọng thu thập, ta đã đánh mất tình thương, ta bần cùng hóa cảm nhận về cái đẹp, không còn nhạy cảm trước nỗi khổ, trước sự tàn bạo; ta càng lúc càng trở nên chuyên biệt hơn, tính nguyên vẹn, toàn diện càng lúc càng mất đi. Tri thức không thể thay thế trí tuệ được, không lý giải ở bất cứ cấp độ nào, không có sự tích lũy sự kiện nào giải thoát con người khỏi đau khổ. Tri kiến thức cũng cần thiết, khoa học có vị trí riêng, nhưng nếu trí và tâm bị bóp nghẹt bởi tri thức và nếu nguyên nhân của đau khổ cứ được lý giải mãi, thì cuộc sống này trở nên vô vị và vô nghĩa.
Thông tin, tri kiến thức về sự kiện không ngừng gia tăng, tuy nhiên, bản chất của chúng vốn hạn chế. Còn trí tuệ vốn vô hạn, trong đó bao gồm cả tri thức và hành động; ta bám vào một cành nhánh và cho đó là toàn cả cội cây. Thông qua tri thức về thành phần, ta không bao giờ có thể hiểu được niềm vui cuả cái toàn thể. Lý trí không bao giờ có thể đi đến cái toàn thể, cái nguyên vẹn vì nó chỉ là thành phần, một mảnh vụn.

Người đồng hành