Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

BẠO LỰC

BẠO LỰC

Việc gì xảy ra khi bạn chú tâm trọn vẹn vào điều ta gọi là bạo lực?- Bạo lực không chỉ chia rẽ con người qua tín ngưỡng, qua tin tưởng, qua quy định và vân vân, mà bạo lực còn diễn ra khi ta mưu cầu sự an toàn cho cá nhân thông qua một định chế xã hội. Liệu bạn có thể chú tâm trọn vẹn vào bạo lực không? Và khi bạn nhìn bạo lực bằng tất cả sự chú tâm trọn vẹn, việc gì xảy ra ? Khi bạn chú tâm vào điều gì một cách trọn vẹn – khi học lịch sử, toán học, nhìn vợ bạn hay chồng bạn – việc gì xảy ra? Không biết có bao giờ bạn chịu đào sâu vấn đề này không – có lẽ phần đông chúng ta không bao giờ chú tâm trọn vẹn vào bất cứ điều gì – như khi bạn chú tâm thì việc gì xảy ra? Thưa quý ngài, chú tâm là gì? Chắc chắn là khi bạn chú tâm trọn vẹn thì liền có sự quan tâm và bạn không thể quan tâm nếu bạn không yêu thương. Và khi bạn chú tâm trọn vẹn, trong đó có yêu thương thì còn có bạo lực không? Bạn theo kịp chứ? Thông thường tôi lên án bạo lực, tôi lẩn tránh bạo lực, tôi biện minh cho bạo lực hoặc tôi nói bạo lực là tự nhiên. Mọi việc làm đó đều không phải là chú tâm. Nhưng khi tôi chú tâm vào vật tôi gọi là bạo lực và chú tâm là quan tâm, là yêu thương – vậy còn chỗ nào cho bạo lực?

Người đồng hành


Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

THẤY CÁI TOÀN THỂ

THẤY CÁI TOÀN THỂ



Bạn nhìn một cội cây ra sao? Phải chăng bạn thấy toàn thể cội cây? Nếu bạn không nhìn cội cây như là một toàn thể bạn không thấy cội cây chi cả. Bạn nhìn lướt qua và nói, “ Cội cây đẹp làm sao!”, hoặc nói “ Đó là cây xoài”, hay “ Tôi không biết đó là cây gì, có thể là cây me”. Nếu bạn không thấy, bằng sự kiện thực, toàn thể cội cây thì bạn sẽ không bao giờ thấy được cội cây. Đối với sự giác ngộ cũng tương tự như vậy. Nếu bạn không thấy toàn thể hoạt động của trí não bạn trong ý nghĩa đó – như bạn thấy cội cây – thì bạn sẽ không bao giờ giác ngộ được. Cội cây được tạo thành bởi những rễ, thân, cành nhánh nhỏ lớn hay đang lú chồi non, và lá, lá chết, lá héo, lá xanh, lá bị sâu ăn, lá xấu xí và có chiếc đang rơi, hoa và trái – tất cả đó bạn thấy như là cái toàn thể khi bạn thấy cội cây. Cũng tương tự như vậy, trong động thái thấy các hoạt động của trí não bạn, trong trạng thái giác ngộ đó, bạn thấy có mình có những ý nghĩ lên án, chấp nhận, từ chối, lấy, bỏ, đấu tranh, tuyệt vọng, hy vọng, thành bại – giác ngộ là bao trùm các cái đó chứ không phải chỉ phần nào. Vậy bạn có tri giác não bạn trong ý nghĩa cực kỳ đơn giản ấy không – tức là thấy toàn cả bức tranh chứ không phải một góc nào của bức tranh và hỏi, “ Ai đã vẽ bức tranh này vậy ?”

Người đồng hành

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TRI THỨC KHÔNG PHẢI LÀ TRI GIÁC

TRI THỨC KHÔNG PHẢI LÀ TRI GIÁC


Tri giác là trạng thái của trí não quan sát mà không lấy bỏ, chỉ giáp mặt với sự vật y như nó là. Khi bạn nhìn một đóa hoa không phải bằng cái nhìn thực vật học, lúc đó, bạn mới thấy toàn cả đóa hoa; nhưng nếu trí não bạn bị chiếm cứ trọn vẹn bởi tri thức về thực vật, về đóa hoa, bạn không nhìn trọn vẹn đóa hoa nữa. Tuy bạn có thể có tri thức về hoa nhưng nếu tri thức đó chiếm trọn trí não bạn thì bạn không nhìn trọn vẹn đóa hoa nữa.
Vì vậy, nhìn thấy một sự kiện là tri giác hay giác. Trong giác không có sự lựa chọn lấy bỏ, không có thích hay không thích. Nhưng phần đông chúng ta không đủ sức làm như vậy bởi vì do tập truyền, do thói quen, đú cách, ta không đủ sức giáp mặt với sự kiện mà không dựa trên cái nền tảng tâm lý của mình. Ta phải tri giác chính nền tảng này. Ta phải tri giác chính sự qui định của ta và cái tâm thái bị qui định này sẽ tự lộ bày khi ta quan sát một sự kiện và bởi vì bạn chỉ chú tâm quan sát sự kiện chứ không phải nền tảng, nên nền tảng ấy được gạt sang một bên. Khi mối quan tâm chủ yếu là nhằm thấu hiểu chỉ sự kiện và khi bạn thấy rằng nền tảng ấy ngăn chặn bạn thấu hiểu sự kiện, lúc đó, chính sự quan tâm sinh tử trong sự kiện xóa sạch nền tảng đi.

Người đồng hành


Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

GIẢI TRỪ SỢ HÃI LÀ BẮT ĐẦU CÓ CHÚ TÂM

GIẢI TRỪ SỢ HÃI
LÀ BẮT ĐẦU CÓ CHÚ TÂM

Trạng thái chú tâm diễn ra như thế nào? Không thể có chú tâm bằng tin tưởng, so sánh, phước hay tội, thưởng hay phạt, tất cả đều là những hình thái cưỡng bách. Giải trừ sợ hãi là bắt đầu có chú tâm. Tất phải còn sợ hãi, chừng nào còn bị thúc bách bởi cái muốn được là hoặc trở thành là cái gì đó, tức là còn bị mắc kẹt trong thành bại và bị hành hạ, khảo tra bởi mâu thuẫn.Bạn có thể chỉ dạy sự tập trung, nhưng chú tâm thì không thể dạy, cũng như bạn không thể dạy hành động giải thoát khỏi sợ hãi và chỉ trong hành động thấu hiểu, các nguyên nhân ấy mới giải trừ được sợ hãi. Sự chú tâm tự nhiên phát khởi khi bao quanh người học trò là một bầu không khí hạnh phúc, khi cậu ta cảm thấy an tâm, thoải mái và tri giác thứ hành động vô vị lợi xuất phát từ tình yêu, lòng từ. Tình yêu không có so sánh và vì thế tính đố kỵ, ganh ghét và để ‘’ trở thành’’ liền ngưng dứt.

Người đồng hành

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

CHÚ TÂM HOÀN TOÀN

CHÚ TÂM HOÀN TOÀN

Theo ta hiểu, chú tâm nghĩa là gì? Có chú tâm không khi tôi cưỡng bức trí não phải chú tâm? Khi tôi tự nhủ, “Tôi phải chú tâm, tôi phải kiểm soát trí não và gạt bỏ mọi tư tưởng khác”, phải bạn gọi đó là chú tâm không? Chắc chắn đó không phải là chú tâm. Việc gì xãy ra khi trí não bị cưỡng bức phải chú tâm? Nó tạo ra một sự chống kháng nhằm ngăn chặn những tư tưởng khác thẩm lậu vào, nó chỉ lo chống kháng, đẩy lùi tư tưởng nên không thể nào chú tâm được.Đúng như vậy, phải không?
Để thấu hiểu trọn vẹn điều gì, bạn phải chú tâm hoàn toàn. Nhưng bạn thấy ngay việc làm đó cực kỳ khó khăn và trí não bạn quen thói lơ đãng, do đó bạn mới nói, “Trời ơi, chú tâm là tốt đó, nhưng tôi phải làm sao đây? Tức là bạn lại rơi vào cái muốn đạt được điều gì đó, thế là bạn sẽ không bao giờ chú tâm hoàn toàn…khi bạn thấy một cội cây hay một cánh chim, chú tâm hoàn toàn là không nói, “đó là một cây sồi”, hay “ đó là một con vẹt” và lướt qua. Gắn cho sự vật một tên gọi là bạn không còn chú tâm nữa…Trong khi đó nếu bạn trọn vẹn tri giác, hoàn toàn chú tâm khi bạn nhìn vật gì, lúc đó, có một biến đổi hoàn toàn diễn ra, và chú tâm là thiện, là lành. Không có sự chú tâm nào khác và bạn không thể chú tâm hoàn toàn bằng tu tập. Với tu tập, bạn chỉ được sự tập trung tức là bạn dựng lên những tường vách chống kháng và bên trong những tường vách ấy là sự tập trung chứ không phải chú tâm – đó là lấy bỏ, là loại trừ.

Người đồng hành

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2011

CHÚ TÂM LÀ VÔ HẠN, KHÔNG BIÊN GIỚI

CHÚ TÂM LÀ VÔ HẠN,
KHÔNG BIÊN GIỚI


Trong việc chăm sóc trí não, chỗ quan trọng ta nên nhấn mạnh, không phải là tập trung tư tưởng mà là chú tâm. Tập trung là một tiến trình cưỡng bức trí não khu biệt vào một giới hạn, trong khi chú tâm thì không biên giới. Trong tiến trình đó, trí não luôn luôn bị hạn chế bởi một biên giới hay một lằn ranh, khi mối quan tâm của ta là thấu hiểu toàn thể trí não, tập trung tư tưởng chỉ là chướng ngại. Chú tâm vốn vô hạn, không có biên giới vế kiến thức, tri thức. Tri kiến thức đến từ tập trung dù mở rông biên giới đến đâu đi nữa vẫn còn nằm trong chính biên giới của nó. Trong trạng thái chú tâm, có thể phải sử dụng tri kiến thức - thành quả của tập trung; nhưng thành phần không phải là toàn thể và cộng lại nhiều thành phần không làm nên tri giác về cái toàn thể. Tri kiến thức là cái tiến trình cộng của sự tập trung không mang lại sự thấu hiểu về cái vô lượng. Cái toàn thể không bao giờ nằm trong giới hạn của một trí não tập trung.
Vì vậy, chú tâm là quan trọng trước tiên nhưng không phải do nỗ lực tập trung mà có chú tâm. Chú tâm là một trạng thái, trong đó, trí não không ngừng học hỏi mà tuyệt nhiên không có một trung tâm quanh đó tri kiến thức được thu gom tích trữ như là kinh nghiệm. Một trí não tập trung vào chính nó đã sử dụng tri kiến thức như phương tiện để tự bành trướng và hành vi đó trở nên tự mâu thuẫn và phản nghịch lại xã hội.

Người đồng hành

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

CHÚ TÂM MÀ KHÔNG CÓ CỐ GẮNG

CHÚ TÂM MÀ KHÔNG CÓ CỐ GẮNG

Chú tâm mà trí não không bị thu hút bởi bất cứ sự vật gì được không? Chú tâm mà không tập trung vào bất kỳ đối tượng nào được không? Chú tâm mà không do bất kỳ động cơ, ảnh hưởng nào thúc ép, được không? Trí não có thể nào chú tâm trọn vẹn mà không có ý định lấy bỏ bất cứ vật gì không? Chắc chắn là có thể và đó là trạng thái chú tâm duy nhất, mọi hình thái chú tâm khác chỉ là khoái lạc hay mánh khóe của trí não. Nếu bạn chú tâm hoàn toàn mà không bị thu hút bởi bất kỳ đối tượng nào và cũng không có bất kỳ ý định lấy bỏ, loại trừ; bấy giờ bạn mới khám phá được thiền, bởi vì trong sự chú tâm đó không có cố gắng, không có chia rẽ, không có đấu tranh, không mưu cầu kết quả. Vì vậy, thiền là một tiến trình giải thoát trí não khỏi mọi hệ thống, cơ chế, và chú tâm mà không bị thu hút bởi sự vật hay không cố gắng để tập trung tư tưởng.

Người đồng hành

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

HẠNH PHÚC KHÔNG THUỘC TRÍ

HẠNH PHÚC KHÔNG

Ta có thể tinh luyện trí não cách này, cách khác, đi từ sự tinh tế này đến sự tinh tế khác, từ niềm vui này đến niềm vui khác, nhưng ngay ở trung tâm của mọi sự thể đó vẫn“ cái tôi” – “ cái tôi” đang vui hưởng, “ cái tôi” muốn hạnh phúc hơn, “ cái tôi” tìm kiếm, mưu cầu, trông ngóng, khát khao hạnh phúc, “cái tôi” đấu tranh, “cái tôi” trở nên càng lúc càng tế nhị nhưng không bao giờ chịu chấm dứt. Mà chỉ khi nào “ cái tôi”, dưới tất cả các dạng tinh tế ấy cáo chung, mới có tâm thái cực lạc, chân hạnh phúc, thực sự vui mà không khổ, không hoại, không thế săn đuổi được.
Khi trí não thoát khỏi cái nghĩ về ‘tôi’, người kinh nghiệm, người quan sát, người nghĩ, người tư tưởng, bấy giờ mới có thể có thứ hạnh phúc bất toại. Hạnh phúc đó không thường hằng – theo nghĩa của từ ta dùng. Nhưng trí não ta lại tiềm kiếm thứ hạnh phúc thường hằng, điều gì đó sẽ kéo dài mãi, liên tục nối tiếp mãi. Chính cái muốn liên tục đó là hư hoại.
Nếu ta thấu hiểu tiến trình của cuộc sống mà không lên án, không nói nó đúng hoặc sai, tôi nghĩ lúc đó mới xuất hiện một thứ hạnh phúc sáng tạo không phải của “bạn” hay của ‘tôi’. Hạnh phúc sáng tạo tựa như ánh sáng mặt trời. Nếu bạn giữ ánh sáng ấy cho riêng mình, nó không còn là mặt trời trong sáng, ấm áp cho sự sống nữa. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn được hạnh phúc vì bạn đau khổ hay bạn mất người thân yêu hoặc vì bạn không thành đạt, bấy giò cái muốn hạnh phúc ấy chỉ là một phản ứng. Nhưng khi nào trí não có thể vượt thoát, siêu quá, bấy giờ mới có thứ hạnh phúc không thuộc trí não .

Người đồng hành